Vào thời kỳ Đông Sơn, người dân ở đây đã biết sử dụng đồng để chế tác các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt, như rìu, đục, dao găm, bình, muôi… Đến đầu thế kỷ XI, dưới sự dẫn dắt của Tổ nghề Nguyễn Công Truyền, làng Đại Bái phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm đúc đồng nổi bật, giao thương nhộn nhịp và được biết đến rộng rãi khắp cả nước. Trải qua thời gian, nghề đúc đồng ở Đại Bái không ngừng phát triển. Người dân bắt đầu chuyên môn hóa sản phẩm, hình thành các phường sản xuất theo từng khu vực, mỗi xóm đảm nhiệm một loại sản phẩm riêng. Ví dụ, xóm Sông chuyên làm đồ thờ, xóm Tây chuyên sản xuất chiêng, cồng, mâm, xóm Giữa làm xiêu, niêu, còn xóm Ngoài chuyên chế tác nồi… Kỹ thuật luyện đồng và pha chế đồng của các nghệ nhân Đại Bái đạt đến trình độ cao, với những bí quyết riêng biệt. Sản phẩm được tạo ra không chỉ nhờ vào sự khéo léo mà còn có sự sáng tạo trong từng công đoạn, từ việc làm khuôn mẫu, đúc phôi cho đến các chi tiết chạm khắc tinh xảo, tất cả đều góp phần tạo nên những sản phẩm đồng có giá trị cao.
Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ cơ sở Tranh đồng Quang Hưng, chia sẻ: “Chạm trổ các sản phẩm đồng, đặc biệt là đồ thờ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết. Đối với đồng ngũ sắc, các màu sắc như trắng, xám, vàng, xanh được kết hợp cùng màu đồng nguyên bản tạo thành một loại sản phẩm đồng cao cấp với giá trị rất lớn.”
Hiện nay, làng Đại Bái có khoảng 700 hộ gia đình tham gia nghề đúc đồng, với hơn 1.700 lao động. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, người dân đã mở rộng sản xuất các loại sản phẩm như tranh đồng, trống đồng, các đồ thờ tự (hoành phi, câu đối, đỉnh đồng, lư hương…) và nhiều sản phẩm khác. Đồng thời, việc mở rộng thị trường cũng được chú trọng, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ làng nghề mà sản phẩm của Đại Bái đã được biết đến rộng rãi nhờ các cửa hàng đại diện và website quảng bá sản phẩm.
Làng Đại Bái còn sở hữu nhiều di tích lịch sử – văn hóa quan trọng như khu lăng Tổ nghề đúc đồng Nguyễn Công Truyền, đình Văn Lãng, đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc cùng lễ hội truyền thống làng Đại Bái. Đây là những dịp để tôn vinh các sản phẩm đồng truyền thống và vinh danh những người thợ đúc đồng tâm huyết, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương.
Với khát vọng phát triển và sự cần cù, sáng tạo của những người thợ đúc đồng, nghề truyền thống ở Đại Bái ngày càng phát triển mạnh mẽ. Làng nghề Đại Bái không chỉ là một trong những làng nghề tiêu biểu của cả nước mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Theo Văn Hải – Đình Duy / langngheviet.com.vn
Nguồn: https://langngheviet.com.vn/nghe-duc-dong-dai-bai-tinh-hoa-van-hoa-bac-ninh-33233.html